Không có ngưỡng an toàn phóng xạ

QUẢNG CÁO

(H2N2)-Có ngưỡng an toàn nào cho con người khi tiếp xúc với phóng xạ ion hóa không? Câu trả lời có thể là chẳng có ngưỡng nào là an toàn cả khi chúng ta ‘đụng’ đến phóng xạ.

[title]

Tìm kiếm phóng xạ trên cơ thể trẻ em tại Nhật Bản (ABC)

Trong khi chính quyền Nhật Bản vẫn đang nỗ lực để kiềm chế phóng xạ tại nhà máy Fukushima, nhiều người bày tỏ mối quan ngại các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin không chính xác về nguy cơ phóng xạ.

Một nhóm ‘Bác sĩ vì Trách nhiệm Xã hội’ của Mỹ gần đây đã chỉ trích các báo cáo được các phương tiện truyền thông đại chúng loan tải cho rằng việc tiếp xúc với phóng xạ ion hóa có ngưỡng an toàn.

Trong một tuyên bố chính thức của mình, tổ chức ‘Bác sĩ vì Trách nhiệm Xã hội’ nêu ra rằng: “Khi thảm họa rò rỉ phóng xạ tại Nhật Bản đang xấu đi, nhiều nguồn tin phát đi cho biết con người sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư nếu tiếp xúc với liều lượng phóng xạ cao hơn mức tối thiểu 100 millisievert (mSv)”.

“Nhiều nghiên cứu có cơ sở khoa học không đồng tình với nhận định này. Theo Viện Khoa học Quốc gia Mỹ (trụ sở tại Washington) thì không có mức độ an toàn nào đối với nguy cơ tiếp xúc với phóng xạ. Nhiều thập kỷ nghiên cứu cho thấy rõ ràng bất cứ hàm lượng phóng xạ nào cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư ở người”.

Phó Giáo sư Tilman Ruff từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu Nossal thuộc Đại học Melbourne (Úc), đồng thời là thành viên của Tổ chức ‘Bác sĩ Quốc tế Ngăn chặn Chiến tranh Hạt nhân’, cho rằng có thể có ngưỡng an toàn với một số tác động của phóng xạ nhưng không phải với bệnh ung thư.

“Một số cơ quan và tổ chức tư lợi ngày càng đưa ra những tuyên bố chính thức hàm ý rằng có ngưỡng tiếp xúc phóng xạ an toàn và nếu lượng phóng xạ dưới ngưỡng này thì sẽ không gây ra những hậu quả nghiêm trọng”, Phó Giáo sư Ruff nhận xét.

Cảnh báo quá mức hay xem nhẹ nguy cơ?

Trong khi một số người quan ngại rằng các phương tiện truyền thông đại chúng đang hạ thấp mức nguy cơ từ phóng xạ, một số người có ý kiến trái ngược.

Ví dụ như Trung tâm Truyền thông Khoa học Anh cho rằng so với nhận định của các nhà khoa học thì giới truyền thông đã thổi phồng và tạo ra không khí căng thẳng hơn về tình hình nghiêm trọng tại nhà máy hạt nhân Fukushima.

Ông Peter Burns, cựu Quyền Giám đốc điều hành Tổ chức An toàn Hạt nhân Úc (ARPANSA) và cũng từng là Chủ tịch Ủy ban Khoa học về Tác hại của Phóng xạ Nguyên tử thuộc Liên Hợp Quốc (UNSCEAR), cho rằng các phương tiện truyền thông đại chúng đã đăng tin một cách thiếu cơ sở khoa học và các các bản tin đã cường điệu hóa tác hại đối với sức khỏe khi con người tiếp xúc với lượng phóng xạ nhỏ.

“Có lẽ mức cảnh báo cao trên mức cần thiết do những người đưa tin không hiểu rõ ý nghĩa những số liệu về phóng xạ”, ông Burns nhận xét.

Liều lượng và ảnh hưởng

Tuy nhiên, ông Peter Burns tán đồng ý kiến của ông Tilman Ruff về vấn đề ngưỡng an toàn phóng xạ.

“Không có mức độ phóng xạ tối thiểu nào bảo đảm rằng sẽ không gây ra các tác hại đối với sức khỏe con người”, ông Burns nói.

Ông cho biết ngưỡng tác hại 100 millisievert thường được nhắc đến bắt nguồn từ kết quả thống kê quan trọng trong nghiên cứu thực hiện đối với những người sống sót sau thảm họa bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki.

Theo các tổ chức quốc tế, mức 100 millisievert tương đương với nguy cơ mắc bệnh ung thư trầm trọng chỉ dưới 1%.

Tuy nhiên, ông Burns cho biết có nhiều bằng chứng khác chứng tỏ liều phóng xạ nhỏ cũng gây ra những tác hại nghiên trọng, trong đó có nghiên cứu cho thấy bào thai có nguy cơ mắc bệnh ung thư tăng lên sau này nếu người mẹ được chụp chẩn đoán hình ảnh một lần với mức phóng xạ 10 millisievert.

So sánh nguy cơ

Ông Burns tin rằng cần nhìn nhận việc tiếp xúc phóng xạ trong bối cảnh con người phải đối mặt với các nguồn phóng xạ tự nhiên và nhân tạo.

“Con người nhiễm khoảng 1 – 10 millisievert phóng xạ mỗi năm, trung bình từ 2 – 3 millisieverts, từ bức xạ yếu trong môi trường”, ông Burns nói.

Đi lại bằng đường hàng không hoặc chụp cắt lớp trong bệnh viện là những nguồn gây nhiễm phóng xạ thông thường đối với con người. Giới hạn phóng xạ chính thức trong thực phẩm và nước được xác định dựa trên mức độ tiếp xúc này.

Ví dụ, giới hạn phóng xạ đối với công nhân nhà máy hạt nhân sẽ cao hơn nhiều so với dân thường.

Theo ông Ruff, mọi người cần nhớ rằng giới hạn phóng xạ nêu trên không phải là mức tối thiểu không gây tác hại đối với sức khỏe con người. Giới hạn này là hiểm họa tiềm ẩn giữa những gì đạt được và mức được coi là nguy cơ có thể chấp nhận.

Cũng theo ông Ruff, mọi người cần lưu ý rằng ảnh hưởng của phóng xạ đối với phôi thai, trẻ sơ sinh và trẻ em, đặc biệt là bé gái, cao hơn so với người lớn.

Nước nhiễm phóng xạ

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mức giới hạn 10 becquerel phóng xạ trong một lít nước uống, tương ứng với mức 0,1 millisievert mỗi năm.

Sau vụ tai nạn hạt nhân tại Fukushima, chính phủ Nhật Bản đặt ra mức nước nhiễm phóng xạ tối đa là 300 đối với người lớn, 100 với trẻ sơ sinh và 3000 đối với nhân viên cứu hộ khẩn cấp.

Sau khi có tin nước máy của Nhật Bản đã bị nhiễm phóng xạ, một chuyên gia khuyến cáo chính phủ Nhật ngăn chặn tình trạng báo động trong công chúng bằng việc đưa ra tình huống cụ thể khi công bố những thông tin như vậy.

Giáo sư Robert Gale, chuyên gia từ Imperial College London được trích dẫn ý kiến trên nhật báo The Australian hồi tuần trước cho rằng ông sẽ vui vẻ uống nước thậm chí nếu nước nhiễm xạ quá ngưỡng tối đa theo quy định của chính phủ Nhật.

“Chúng ta luôn sống với nước bị nhiễm xạ”, Giáo sư Gale nói.

Nguy cơ sức khỏe cá nhân và cộng đồng

Tổ chức ‘Bác sĩ vì Trách nhiệm Xã hội’ (PSR) đã đặt câu hỏi về ý kiến của giáo sư Gale. “Ý kiến của ông Gale nêu ra mức độ khác biệt rõ ràng giữa nguy cơ sức khỏe cá nhân và sức khỏe cộng đồng”, Tiến sĩ Ira Helfand từ tổ chức PSR nói. “Nguy cơ từ nước uống nhiễm phóng xạ đối với con người rất thấp. Vấn đề phát sinh khi 40 triệu người ở Tokyo và các trong khu vực lân cận uống nước và bị nhiễm phóng xạ”.

Tiến sĩ Helfand cho rằng nếu tỉ lệ nguy cơ mắc bệnh ung thư do lượng nhỏ phóng xạ là 1/1 triệu, mỗi cá nhân không cần phải có các biện pháp phòng ngừa đặc biệt.

“Tuy nhiên, nếu cả 40 triệu người đều nhiễm mức phóng xạ này thì 40 người trong số đó sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư”, Tiến sĩ Helfand dự đoán. “Họ cũng có thể nhiễm phóng xạ trong những ngày tiếp theo khi lượng phóng xạ trong không khí gia tăng và do thực phẩm bị nhiễm phóng xạ”.

Ông Helfand cho rằng cần thuyết phục công chúng không hành động đơn lẻ nếu phải tiếp xúc với mức phóng xạ rất thấp. Tuy nhiên, các nhà khoa học không nên định hướng sai dư luận khi công bố thông tin ngưỡng phóng xạ nào là an toàn tuyệt đối và không gây tác hại. Giữa hai vấn đề này là hoàn toàn khác nhau.

Nguồn Bay Vút

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *