Cần phân loại và ghi nhãn hoá chất quốc tế

QUẢNG CÁO

Bắt đầu từ 30/3/2012, hóa chất sản xuất và lưu hành tại Việt Nam phải ghi nhãn theo thông lệ quốc tế. Thông tin này được TS. Phùng Hà – Cục trưởng Cục Hóa chất đưa ra trong cuộc trao đổi với PV Báo Công Thương về Thông tư số 04-2012/TT-BCT quy định việc phân loại và ghi nhãn hóa chất theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hoá chất vừa được Bộ Công Thương ban hành.

 Mục đích của việc phân loại và ghi nhãn hóa chất theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hoá chất là gì, thưa ông?

Việc phân loại và ghi nhãn hóa chất theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hoá chất (gọi tắt là GHS) là hệ thống hướng dẫn phân loại và ghi nhãn hoá chất của Liên hợp quốc trên toàn cầu. GHS được Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hiệp quốc chính thức thông qua vào tháng 7 năm 2003. Mục đích của GHS  nhằm góp phần bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người thông qua cung cấp hệ thống quốc tế về thông tin nguy hại của hoá chất.

GHS cung cấp một hệ thống phân loại và ghi nhãn hoá chất theo các tiêu chuẩn dựa trên mức độ nguy hại vật chất, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường. Các thông tin nguy hại của hoá chất sau khi phân loại được cung cấp cho người sử dụng thông qua nhãn hoá chất, phiếu an toàn hoá chất. Người sử dụng được cung cấp thông tin hướng dẫn về sử dụng hoá chất hợp lý an toàn cho con người và môi trường. GHS là phương thức tiếp cận thống nhất, mạch lạc, dễ hiểu và phân loại các đặc tính nguy hại của hoá chất và cách ghi thông tin trao đổi trên nhãn.

GHS

Xin ông cho biết thực tế triển khai GHS trên thế giới và những khó khăn trong công tác triển khai tại Việt Nam?

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận GHS từ năm 2003. Luật Hoá chất của Việt Nam có hiệu lực từ 01/7/2008 cũng đã đề cập đến việc áp dụng GHS và khẳng định Việt Nam có đầy đủ các điều kiện cần thiết đảm bảo thực hiện GHS.

Tuy nhiên, do hoá chất có ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực (công, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế, thương mại…) và các đối tượng trong xã hội (người sản xuất, người tiêu dùng, các nhà cung cấp, vận tải, lực lượng khắc phục sự cố hoá chất…), vì vậy, trong thực tế việc thực hiện GHS là khác nhau trên thế giới. Trong số các nước và khu vực, ngoài APEC, EU (gồm 25 nước châu Âu) là khu vực đi đầu trong việc thực hiện và tuyên bố sẽ áp dụng GHS tại toàn bộ các quốc gia thành viên vào năm 2007 với đơn chất hoá chất và năm 2009 với hỗn hợp hoá chất. Riêng Nhật Bản đã có website liệt kê 1500 hóa chất được phân loại bởi Ủy ban liên bộ thực hiện GHS của Nhật Bản. Cần phải nhấn mạnh rằng, GHS thật sự có ảnh hưởng rất lớn đến các nhà xuất, nhập khẩu hóa chất trên toàn cầu.

Việt Nam bắt đầu tiếp cận với GHS từ năm 2003 thông qua khuôn khổ hợp tác ASEAN- Nhật Bản về công nghiệp hóa chất mà Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) làm đầu mối. Bản thân Việt Nam trong thời gian qua cũng đã từng bước thể chế hóa các yêu cầu của GHS vào thực tiễn quản lý hóa chất của mình. Cụ thể, đã đề đưa ra yêu cầu bắt buộc đối với các nhà sản xuất và nhập khẩu hóa chất về cung cấp phiếu an toàn hóa chất tại Nghị định số 68/2004/NĐ-CP ngày 20/05/2004 của Chính phủ về An toàn hóa chất. Việc thực hiện GHS là nhiệm vụ không đơn giản với các đơn vị hoạt động hóa chất. Các cơ quan quản lý cần có các hướng dẫn hết sức cụ thể cho doanh nghiệp. Các đơn vị hoạt động hóa chất ngay trước mắt cần đánh giá lại việc phân loại hóa chất của đơn vị mình, có kế hoạch, có chuẩn bị đội ngũ để thực hiện GHS.

Vậy trách nhiệm của doanh nghiệp với GHS là gì, thưa ông?

Doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối và sản xuất chịu trách nhiệm phân loại hoá chất theo hướng dẫn của GHS. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, sản xuất nhượng quyền, gia công, san chia, đóng gói lại, kinh doanh, nhập khẩu hóa chất tại Việt Nam sẽ phải thực hiện phân loại và ghi nhãn hóa chất theo đặc tính của hóa chất, tên sản phẩm, định lượng, ngày tháng sản xuất… Ngoài nhãn chính thì có những loại hóa chất phải ghi thêm nhãn phụ.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất phải gửi Bản phân loại và Phiếu ghi nhãn hoá chất cùng các tài liệu liên quan tới Cục Hóa chất trước 15 ngày làm việc, kể từ ngày đưa hóa chất vào sử dụng, lưu thông trên thị trường. Các thông tin được coi là bí mật kinh doanh, tổ chức, cá nhân phải thông báo với Cục Hóa chất trước khi đưa hoá chất vào sử dụng, lưu thông trên thị trường và phải công khai với các cơ quan chức năng khác khi được yêu cầu.

Việc áp dụng phân loại và ghi nhãn hóa chất cũng có lộ trình cụ thể. Đối với hóa chất sản xuất, nhập khẩu đã thực hiện phân loại hoặc ghi nhãn để đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường trước ngày Thông tư này có hiệu lực (30/3/2012) sẽ được tiếp tục lưu thông. Đối với đơn chất, sau 2 năm, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, trước khi đưa hóa chất vào sử dụng, lưu thông trên thị trường, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất phải thực hiện xong việc phân loại, ghi nhãn hóa chất theo quy định tại Thông tư này. Điều này cũng áp dụng tương tự đối với hỗn hợp chất, nhưng thời gian được kéo dài hơn là sau 4 năm.

Xin cảm ơn ông.

Hoahocngaynay.com

Nguồn Báo Công Thương

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *