Sự thật về vitamin

QUẢNG CÁO

vitamin(H2N2)-Hàng triệu người trên thế giới đang sử dụng vitamin hàng ngày vì tin tưởng vào những tác dụng thần kỳ của loại dược phẩm này. Trước sự “ngưỡng mộ” có vẻ như thái quá của con người dành cho vitamin hiện nay, một số nhà khoa học đã lật ngược vấn đề để tìm hiểu vai trò thực sự của vitamin đối với cơ thể con người là như thế nào?

Theo thống kê, chỉ riêng ở Mỹ, Có tới 7/10 người phải “cầu cứu” tới vitamin, còn 3 người thì sử dụng chúng một cách có định hướng và thường xuyên. Từ những năm 70, chính phủ Mỹ đã cho phép sử dụng các phụ gia thực phẩm có chứa vitamin liều cao. Kết quả là, hàng năm ở Mỹ, người ta tiêu tốn khoảng 4 tỷ đôla cho các loại vitamin.

Sự thật về vitamin

Là nhan đề của một bộ phim tài liệu được phát trên chương trình truyền hình của BBC hồi đầu năm 2010. Bộ phim đã đưa ra các lập luận trái chiều từ giới nghiên cứu khoa học về tác dụng thực sự của vitamin. Theo đó, các “luật sư” biện hộ cho vitamin khẳng định rằng, uống bổ sung vitamin hàng ngày là điều cần thiết với tất cả mọi người. Những tín đồ vitamin nhiệt thành nhất còn khẳng định rằng: không những cần phải vitamin hóa một cách toàn diện, mà còn cần phải dùng chúng với liều thật cao.

Những người tin theo quan điểm cực đoan này có một thần tượng của mình, đó là nhà sinh hóa L.Pauling – người hai lần được giải thưởng Nobel (nhưng thực ra những giải Nobel mà ông được trao tặng không có liên quan gì đến vitamin). Năm 1971, Pauling xuất bản cuốn sách Vitamin C và bệnh cảm cúm. Sau đó, ông cho ra đời thêm cuốn sách Vitamin C và bệnh ung thư trong đó khẳng định: với một liều rất cao, vitamin có thể ngăn ngừa hoặc thậm chí chữa lành những căn bệnh như ung thư và tim mạch. Bản thân Pauling đã chiến đấu với tuổi già một cách rất thành công. Ông thọ 93 tuổi. Trong những năm cuối đời, ông rất nghiện các vitamin. Hàng ngày, ông dùng vitamin E với một liều rất lớn: 800 đơn vị – gấp đôi lượng thuốc mà y học chính thống quy định dùng trong ngày. Còn đối với vitamin C – thứ thuốc yêu thích nhất, mỗi ngày ông cũng uống tới 18g – nhiều gấp 30 lần lượng cần thiết cho cơ thể. Tất nhiên, các tín đồ của Pauling đã giải thích sự trường thọ ấy trên cơ sở ưu điểm của vitamin. Thế nhưng, trong lịch sử, rất nhiều người có tuổi thọ còn cao hơn thế mà chẳng cần dùng tới một viên polivitamin bổ sung nào.

Các nhà khoa học thuộc phe đối lập thì cho rằng: việc uống một số vitamin ngược lại có thể gây hại. “Đối với hầu hết chúng ta uống vitamin liều lượng cao tuyệt đối không có công dụng gì cả” – Catherine Collins, trưởng khoa dinh dưỡng tại Bệnh viện St. George cho rằng – “Nói nhẹ thì đó là sự phí phạm, còn nặng hơn vitamin có thể gây hại trầm trọng cho sức khỏe”. Theo họ, phương pháp chữa trị bằng vitamin có tác dụng quá ít ỏi đến nỗi không đáng so với chi phí và nỗ lực bỏ ra. GS. Harri Hemilä thuộc Trường Đại học Helsinki (Phần Lan) nhấn mạnh: “Thật là không hợp lý chút nào khi dùng vitamin C 365 ngày trong một năm chỉ để giảm nguy cơ bị cảm lạnh”.

Tổ chức Y tế Thế giới đang do dự

Không thể phủ  nhận y học đã chứng minh được rằng, vitamin đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể. Khi các vitamin bị thiếu hụt, hoạt động thể lực và trí lực có thể bị giảm sút, sức đề kháng của cơ thể cũng sẽ yếu đi, thậm chí còn xuất hiện một số bệnh tật. Thế nhưng, liệu vitamin có đúng là thần dược chữa ung thư và giúp kéo dài tuổi thọ?

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một số tuyên bố mang tính báo động: Hiện tại vẫn chưa có những thông tin bổ sung về khả năng phòng ngừa bệnh ung thư của beta-caroten và các loại caroten khác. Dân chúng không nên sử dụng những loại thuốc nói trên với mục đích phòng chống ung thư. Phòng ngừa ung thư bằng rau xanh và trái cây vẫn là biện pháp có hiệu quả hơn cả so với bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.

Việc báo động của Tổ chức Y tế Thế giới cũng rất dễ hiểu. Nhờ những công trình nghiên cứu nghiêm túc, người ta đã phát hiện ra rằng, các thực phẩm chức năng có chứa tiền vitamin A caroten không những không có khả năng ngăn chặn, mà ngược lại còn làm cho bệnh ung thư phát triển mạnh hơn. Thí dụ, tỷ lệ đàn ông nghiện thuốc lá có sử dụng các caroten bị mắc ung thư phổi cao hơn những người hút thuốc mà không dùng tới loại vitamin đó. Mặt khác, tỷ lệ tử vong vì các bệnh tim mạch ở những người sử dụng các thứ thuốc chứa caroten cũng cao hơn.

Hiện nay, khoa học đang tiến hành những nghiên cứu thực nghiệm trên quy mô rộng lớn về vitamin và các chất chống oxy hóa. Để trả lời cho câu hỏi “Có nên dùng bổ sung các thứ vitamin hay không?”. Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ cũng đưa ra một lời khuyên là: Đa dạng hóa ăn uống là biện pháp tốt nhất để đáp ứng nhu cầu vitamin của cơ thể. Sử dụng bổ sung các loại vitamin và các chất khoáng cần phải có mức độ. Liều lượng sử dụng nhiều hay ít là vấn đề có tính riêng biệt, tùy thuộc vào lối sống, khẩu phần ăn uống, tình trạng sức khỏe của từng người và vô số những nhân tố khác.

 

Hoahocngaynay.com

Nguồn Suckhoedoisong

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *