Tình hình và triển vọng phát triển công nghiệp hoá dầu thế giới

QUẢNG CÁO

dau_khiCông nghiệp hóa dầu châu Âu

Nửa đầu năm 2000, nhu cầu và sản lượng hóa dầu ở châu Âu vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, tổng sản lượng quốc dân GDP) của các nước châu Âu vẫn ở mức ổn định. Nhưng trong nửa sau của năm 2000, nhu cầu về polyme đã giảm đi, một phần do các mối lo ngại về triển vọng của kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu. Vì nguyên nhân đó và vì một số nhà máy mới bắt đầu đi vào hoạt động mà tỉ lệ sử dụng công suất của các nhà máy hóa dầu đã giảm mạnh.

ở Trung Đông, nhiều nhà máy hóa dầu mới cũng bắt đầu đi vào hoạt động. Trong vài năm tới, khu vực này sẽ tăng mạnh xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu sang châu Âu và châu Á.

Giá dầu thô tăng cao đã được phản ánh trong việc tăng giá naphta và các nguyên liệu hyđrocacbon khác. Giá khí thiên nhiên và khí hóa lỏng ở Mỹ tăng theo sát tỉ lệ tăng giá dầu thô. Về mặt sản xuất etylen, hiện nay châu Âu đang ở thế cạnh tranh bất lợi hơn so với Trung Đông nhưng lại có ưu thế về giá thành so với vùng Gulf Coast của Mỹ.

Hiện nay, việc sản xuất một vài sản phẩm hóa dầu chính ở châu Âu đang đạt hiệu quả tốt, nhưng việc sản xuất một số sản phẩm khác lại gặp những khó khăn lớn. Những sản phẩm gặp khó khăn lớn nhất trong quý IV năm 2000 là các hyđrocacbon thơm, polyeste, polystyren (PS) v.v… Năm 1999, polyetylen (PE) là một trong những mặt hàng được sản xuất với hiệu quả cao nhất. Nhưng vào năm 2000, sản xuất PE lại là một trong những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất.

Về mặt sản lượng, mức tăng sản lượng olefin ở châu Âu trong năm 2000 rất thấp. Mức tăng sản lượng polyme cũng nằm rất thấp dưới mức chung của tất cả các sản phẩm hóa dầu.

ở châu Âu, số nhà máy hóa dầu mới

đi vào hoạt động trong năm 2000 nhiều hơn những năm trước. Yếu tố này, cộng với nhu cầu thị trường suy giảm, đã làm giảm mạnh tỉ

Mấy năm gần đây, ở châu Âu xu hướng sáp nhập, mua bán công ty, hình thành liên minh vẫn tiếp tục diễn ra. Việc cải cách cơ cấu trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh ở châu Âu đã bắt đầu có ảnh hưởng đến thị trường. Quy mô trung bình của các nhà máy vẫn tiếp tục tăng nhằm mục đích giảm chi phí sản xuất, nhưng số các công ty còn trụ lại trên thị trường đang giảm đi.

Tuy nhiên, một số công ty đang chia nhỏ thành các đơn vị nhỏ hơn, còn một số công ty khác đang bán đi các bộ phận sản xuất kinh doanh không nòng cốt của mình. Nhìn chung, các công ty hóa chất đang trở nên đơn giản hơn và tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực then chốt của họ.

Sự cải thiện liên tục các hoạt động nội bộ của công ty có thể là một quá trình khó nhận thấy, nhưng nó là cơ sở trong việc cải thiện lợi nhuận của công ty. Các công ty đang tiếp tục cải thiện các quy trình sản xuất, tăng quy mô, cải thiện công nghệ và áp dụng các biện pháp kiểm tra tiên tiến để tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Công nghiệp hóa dầu Trung Đông

Trong vòng 15 năm qua, từ một nền tảng hóa dầu rất nhỏ và là khu vực nhập các sản phẩm hóa dầu, Trung Đông đã phát triển thành một khu vực sản xuất hóa dầu, chiếm 7% tổng sản lượng etylen toàn cầu. Sản xuất hóa dầu tập trung ở Arập Xêút và các nước vùng Vịnh khác. Các nước này đang tiếp tục mở rộng sản xuất hóa dầu, còn Iran cũng dự định sẽ đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực này.

Trong thời gian 1999 – 2003, bảy nhà máy sản xuất etylen quy mô quốc tế đã và sẽ đi vào hoạt động ở khu vực Trung Đông. Cũng trong thời gian đó, ở châu Âu không có, còn ở Mỹ chỉ có 3 nhà máy etylen mới.

Trong thời gian 2004 – 2007, người ta dự kiến sẽ có một làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực sản xuất hóa dầu ở Trung Đông. Việc này sẽ giúp duy trì tốc độ tăng công suất hóa dầu của khu vực này. Xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu, chủ yếu là các polyolefin, sẽ tiếp tục tăng. Năm 2003, xuất khẩu polyolefin của Trung Đông sẽ tăng 2,5 triệu tấn, còn đến năm 2005 sẽ tăng 4 triệu tấn.

Hầu như toàn bộ nguyên liệu hóa dầu ở Trung Đông đều được sản xuất từ khí thiên nhiên. Chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các nguyên liệu hóa dầu là etan; giá của nó phản ánh chi phí khai thác và mức dư thừa khí thiên nhiên từ trước đến nay.

Vào giữa thập niên 1990, Trung Đông là khu vực xuất khẩu quan trọng đối với PE và các sản phẩm hóa dầu khác. Xuất khẩu của Trung Đông đang tiếp tục tăng mạnh, đến năm 2005 khu vực này sẽ chiếm ưu thế hoàn toàn trong thương mại hóa dầu toàn cầu.

Công nghiệp hóa dầu Mỹ

Cuối năm 1999, do lo ngại sự cố Y2K sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, các nhà sản xuất và chế biến cuối dòng đã dự trữ nhiều hàng tồn kho. Nhưng sự cố Y2K đã không xảy ra ở quy mô lớn, còn hàng tồn kho đã góp phần giảm nhu cầu đối với các sản phẩm hóa dầu và giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất của Mỹ. Đồng thời, do giá nguyên liệu tăng nên lợi nhuận quý IV – 2000 của các nhà máy crăcking bằng hơi nước ở Mỹ đã giảm mạnh. Đến tháng 12, một số nhà sản xuất đã bắt đầu đóng cửa nhà máy vì sản xuất không có lãi và vì các nhà sản xuất polyme cuối dòng đã giảm đơn đặt hàng olefin.

Giá năng lượng trong năm 2000 cao hơn so với mức giá trung bình nhiều năm nhưng đang giảm đi trong năm 2001. Sản lượng dầu thô đã tăng, trữ lượng dầu mỏ của Mỹ vẫn đủ dùng cho tương lai gần, còn các biện pháp bảo tồn năng lượng đang góp phần giảm mức tiêu thụ.

Tuy năng lượng chỉ đóng một vai trò không lớn trong nền kinh tế Mỹ và Tây Âu, nhưng nó lại có một tác động tâm lý rất lớn. Người dân Mỹ đặc biệt nhạy cảm với giá xăng. Giá xăng cao sẽ làm giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như mức chi tiêu của họ.

Trong thập niên 1990, giá khí thiên nhiên ở Mỹ khá thấp vì vậy nhiều người tiêu dùng cũng như các cơ quan, xí nghiệp đã dùng khí thiên nhiên để đốt lò sưởi thay cho dầu. Tuy nhiên, do giá khí thiên nhiên thấp nên người ta không tập trung đầu tư vào khai thác mà lại đầu tư quá nhiều vào sản xuất các thiết bị sử dụng khí thiên nhiên.

Những yếu tố chính đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hóa dầu Mỹ là:

– Kinh tế đang phát triển chậm lại.

– Giá nguyên liệu, giá năng lượng cao.

– Giá trị của thị trường chứng khoán giảm khiến chi phí đầu tư tăng.

Sản xuất PVC

Trong phần lớn thời gian của thập niên 1990, sản xuất PVC là một lĩnh vực sản xuất không đạt lợi nhuận cao. Điều này đã khiến nhiều công ty đóng cửa nhà máy, rút khỏi sản xuất PVC hoặc sáp nhập với nhau. Rất ít nhà máy mới được dự kiến xây dựng.

Tuy nhiên, nhu cầu PVC đã tăng mạnh vào cuối thập niên, bất chấp những vấn đề môi trường. Kết quả là, sau khi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu á giảm dần, nhu cầu PVC đã tăng lên sít sao với mức cung và lợi nhuận đã tăng trở lại trong năm l 999.

Trong 5 năm tới, thị trường PVC toàn cầu với tổng khối lượng 26 triệu tấn sẽ tăng trưởng khoảng 4,1%/năm. Châu á là thị trường lớn nhất và cũng sẽ có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất (trừ Nhật Bản). Sản xuất PVC ở châu Mỹ Latinh và Trung Đông, châu Phi cũng sẽ tăng nhanh nhưng với mức khởi điểm thấp, còn Bắc Mỹ có tiềm năng tăng trưởng khá chắc chắn (khoảng 4%/năm).

Ngành xây dựng là lĩnh vực sử dụng chủ yếu đối với các sản phẩm PVC. Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đóng gói, các sản phẩm PVC đang mất dần thị phần vì nó được thay thế bởi các sản phẩm khác thân môi trường hơn.

Những yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất PVC toàn cầu là:

– Sự tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo sự tăng nhu c ầu PVC.

– Giá năng lượng cao có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

– Các vấn đề về môi trường có thể không kìm hãm sự tăng trưởng sản xuất PVC, nhưng có thế hạn chế việc xây dựng các nhà máy PVC mới.

Sản xuất propylen

Sản xuất propylen là lĩnh vực sản xuất quy mô lớn, có mức tăng trưởng nhanh. Propylen là nguyên liệu cho nhiều sản phẩm hóa dầu quan trọng nhưng cho đến nay nó vẫn được coi là sản phẩm phụ hoặc sản phẩm đồng hành của các nhà máy lọc dầu và các nhà máy sản xuất etylen. Các đặc điểm chính của sản xuất propylen trong năm 2000 là :

– Nhu cầu nội địa của Mỹ đối với propylen đã tăng 10,7% nhờ nhu cầu acrylonitril, cumen và polypropylen (PP) tăng mạnh. Sản lượng propylen còn tăng cao hơn (10%) do các nhà sản xuất tăng hàng dự trữ và tăng xuất khẩu.

– Trên thế giới, các nhà máy mới với tổng công suất 3,7 triệu tấn/năm đã đi vào hoạt động. Giá propylen tiếp tục tăng cao, đạt mức kỷ lục ở Mỹ. ở châu á và châu Âu, giá propylen tăng đến mức cao nhất kể từ 1995.

– Lợi nhuận của sản xuất propylen giảm do giá dầu cao.

– Các vụ sáp nhập lớn giữa các công ty làm cho sản xuất propylen trở nên tập trung hơn.

Dự đoán đến năm 2005 khoảng 66% propylen toàn cầu sẽ được sử dụng để sản xuất PP, tổng nhu cầu propylen sẽ tăng đến 65 triệu tấn.

Về cơ bản, toàn bộ lượng propylen sử dụng cho công nghiệp hóa chất đều được sản xuất từ các nhà máy lọc dầu hoặc là đồng sản phẩm của etylen trong các nhà máy cracking bằng hơi nước. Ngoài ra, còn những lượng propylen tương đối nhỏ được sản xuất bằng các phương pháp khác như tách hyđro khỏi propan, phản ứng trao đổi etylen – buten, khí hóa than.

Mức độ tập trung hóa trong sản xuất propylen đã tăng lên nhờ các vụ sáp nhập lớn gần đây, nhưng việc này ít ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trên thị trường. Trong số 10 nhà sản xuất lớn nhất toàn cầu (sau các vụ sáp nhập), không nhà sản xuất nào chiếm vị trí chi phối thị trường.

Các vấn đề chính hiện nay đối với sản xuất propylen là :

– Nhu cầu propylen đang tăng nhanh hơn nhu cầu etylen. Các nhà máy lọc dầu sẽ phải tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu.

– Lợi nhuận thấp của sản xuất PP sẽ gây áp lực giảm giá đối với propylen.

– Các xúc tác FCC mới sẽ ảnh hưởng đến tình hình cung ứng propy len từ các nhà máy lọc dầu như thế nào?

– Các cải tiến công nghệ đối với phương pháp tách hyđro của propan hoặc phương pháp phản ứng trao đổi sẽ có tác dụng giảm giá thành như thế nào?

– Việc ngừng sản xuất MTBE sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá thành của propylen?

– Trong tương lai, nhu cầu xuất khẩu propylen có thể sẽ giảm. Ước tính, năm 2000 công nghiệp hóa chất toàn cầu tiêu thụ khoảng 51 triệu tấn propylen. Trong các sản phẩm hóa dầu, chỉ có etylen đạt mức tiêu thụ cao hơn (90 triệu tấn), còn benzen chiếm vị trí thứ 3 (31 triệu tấn).

Năm 2000, tổng giá trị kinh doanh của propylen trên toàn cầu đạt khoảng 25 tỉ USD, trong khi đó tổng giá trị kinh doanh của etylen và benzen là 58 tỉ USD và 13 tỉ USD. Xét về quy mô, propylen đáng được coi là một sản phẩm quan trọng hàng đầu. Nhưng cho đến nay, 94% sản lượng propylen toàn cầu vẫn được sản xuất như đồng sản phẩm của sản xuất etylen hoặc sản phẩm phụ của các nhà máy hóa dầu.

Chỉ có 6% tổng sản lượng propylen được sản xuất ở các nhà máy chuyên sản xuất propylen, nhờ các quy trình như tách hyđro của propan, phản ứng trao đổi etylen – butan v. v…

Hoahocngaynay.com

Nguồn Vinachem/Hydrocarbon Processing


Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *