Khi chất bị cấm được đưa vào món ăn…

QUẢNG CÁO

(H2N2)-Như chính tên gọi, vấn đề phụ gia thực phẩm chưa bao giờ thật sự nóng bỏng cho đến tháng 9/2008, melamine – 1 chất bị cấm có “tác dụng” làm tăng độ đạm trong sữa- được phát hiện, thị trường thực phẩm toàn thế giới rung động, người tiêu dùng trở nên cảnh giác hơn.

Bị cấm vẫn đưa vào thực phẩm

Trở lại năm 2008, khi vụ việc melamine nổ ra tại Trung Quốc, người VN vẫn chưa biết melamine là gì và vì sao lại có sự xuất hiện của melamine trong sữa. Với đại bộ phận dân chúng vốn coi sữa là thực phẩm vàng cho sức khoẻ, thì khi sự cố melamine lan tràn, đầu tiên chỉ có ở những sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, dần dần có mặt cả ở những sản phẩm sản xuất tại VN đã khiến công chúng nghi ngờ chất lượng của sữa.

Và hệ luỵ của vụ việc melamine khủng khiếp đến không ngờ. Một nhà máy nhập khẩu nguyên liệu (sau đó bán lại cho một số công ty chế biến bánh và chế phẩm từ sữa) từ Trung Quốc được phát hiện có nguyên liệu nhiễm melamine, Ban GĐ và cả doanh nghiệp hàng trăm công nhân như ngồi trên đống lửa. Một nhãn hàng mới toanh của doanh nghiệp này sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu sữa tươi, không dính tý gì đến nguyên liệu nhiễm melamine cũng đã bị thị trường tẩy chay.

Một doanh nghiệp khác, vốn vừa tung nhãn hàng mới ra thị trường đã lập tức gặp “bão”, khiến hàng hoá ế ẩm, công ty phải đưa sản phẩm ra bán ngoài… lề đường. Một doanh nghiệp chế biến chế phẩm từ sữa bị phát hiện có mua hàng từ nguồn hàng nhiễm melamine lập tức bị thu hồi hàng hoá, khiến những sản phẩm không nhiễm melamine cũng bị vạ lây. Tên tuổi công ty bị nêu ra rả trên báo hàng ngày. Doanh nghiệp này sau đó đã phải đóng cửa để thay tên mới, thay đổi toàn bộ nhãn hiệu hàng hoá. Nói không ngoa, nhiều “nạn nhân” của vụ melamine cho đến nay vẫn chưa giài quyết hết hậu quả. Scandal liên quan đến melamine có thể coi là scandal lớn nhất trong lịch sử hiện đại của ngành sản xuất thực phẩm VN.

Từ đó đến nay, đã có thêm một số scandal đưa chất cấm vào thực phẩm. Mỗi một scandal xuất hiện chất cấm trong thực phẩm, những hệ luỵ của nó và cả niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng thực phẩm đều bị suy giảm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng sự xuất hiện của những chất cấm trong thực phẩm lại gây hoảng hốt cho người tiêu dùng. Trong số này, có thể kể đến tình trạng sử dụng chất làm trắng sản phẩm măng luộc ở TPHCM, chất bị cấm DEHP được sử dụng để thay thế phụ gia tạo đục sản xuất một số loại nước giải khát, bánh kẹo, thạch rau câu; scandal 3- MCPD trong nước tương…

Ứng xử thế nào với phụ gia?

Khác với những loại “chất cấm” đội lốt “phụ gia” và đã bị người tiêu dùng quay lưng kể trên, thì sản xuất thực phẩm hiện đại vẫn phải yêu cầu sử dụng phụ gia để kéo dài thời gian bảo quản. Theo ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hiện có khoảng 600 chất phụ gia được sử dụng sản xuất, chế biến thực phẩm. Tại Mỹ, mỗi năm đã có trên 30 ngàn tấn phụ gia được sử dụng. Tính trung bình, mỗi người Mỹ đã sử dụng 1,5 kg phụ gia/năm!

Theo ông Đáng, sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn thường sử dụng phụ gia nhằm bảo quản, tạo độ dai, giòn, tạo màu sắc đẹp… Nhưng cũng đã có hiện tượng nhà sản xuất hám lợi dùng phẩm màu ngoài danh mục, hay thấy ở hạt dưa đỏ được dùng Rhodamin để nhuộm màu, hay có nơi dùng muối diêm tiêu chế biến thịt quay, hàn the làm giò chả, bánh cuốn, phụ gia giúp thực phẩm nhanh nhừ, phụ gia giúp măng trắng và lâu hỏng… Ông Đáng cho rằng nếu phụ gia được dùng quá giới hạn cho phép nhiều lần có thể gây ngộ độc cấp tính, trường hợp dùng liều nhỏ, thường xuyên liên tục, phụ gia tích luỹ trong cơ thể có thể gây tổn thương lâu dài cho người dùng.

“Dùng thực phẩm chứa hàn the, 85% hàn the được đào thải qua nước tiểu, mồ hôi, 15% còn lại được tích luỹ trong các mô mỡ, mô thần kinh, dần dần có thể gây ra hội chứng ngộ độc mạn tính như mất cảm giác ăn ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, da xanh xao, động kinh…”- ông Đáng cho biết.

Như đã nói ở trên, không thể đòi hỏi thực phẩm hiện đại chỉ sản xuất với các nguyên liệu chính tạo nên món ăn, không có phụ gia. Nhưng để tránh các tác hại liên quan đến phụ gia, lại cần có phương pháp ứng xử phù hợp, trong đó có yêu cầu có danh mục phụ gia bị cấm, danh mục được sử dụng, những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ luôn luôn được cập nhật. Các thực phẩm sử dụng phụ gia ngoài danh mục phải kiên quyết tiêu huỷ. So với các sản phẩm khác, những sự cố về chất lượng thực phẩm luôn khiến người tiêu dùng nhớ dai hơn và nếu từng có sản phẩm không đạt lượng một cách cố tình, nhà sản xuất có thể vĩnh viễn đánh mất khách hàng.

Quỳnh Châu

Nguồn Sức khỏe & An toàn thực phẩm/Dân trí

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *